Những thách thức trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Update 09/2024

: Phú Yên: Tiếng kêu xé lòng của nông dân trồng mía Update 09/2024

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng năm 2019 đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực này là những thách thức không nhỏ khi giá trị nhiều mặt hàng nông sản chính sụt giảm đáng kể. Vậy đâu là giải pháp để ngành Nông nghiệp cán đích mục tiêu kế hoạch năm với kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD?

Nhóm hàng nông sản chính giảm mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện có 5 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 2 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn là thủy sản khoảng 4,7 tỷ USD, lâm sản đạt 6,01 tỷ USD. Riêng mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ – điểm sáng xuất khẩu của ngành, mang lại 5,66 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018.

>>> Xem thêm: Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ

Những thách thức trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Tuy nhiên, cùng với kết quả tích cực, nông sản Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề đặt ra. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, mặc dù nhiều sản phẩm có sản lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm sâu, như hạt điều giảm 20,6%, tiêu 25,2%, cà phê 12%, gạo 16%…

Thậm chí, thủy sản vốn là mặt hàng có thế mạnh, nằm trong nhóm có giá trị xuất khẩu lớn, song kim ngạch 7 tháng qua cũng giảm 1%. Lý giải thêm về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN& PTNT) Trần Đình Luân thông tin, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm bởi hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, xuất khẩu cá tra đạt 1,16 tỷ USD, giảm 3,2%; tôm các loại đạt 1,73 tỷ USD, giảm 10,4%.

Về nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình kinh tế thế giới. Nhiều nước đã và đang quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp khiến nông sản Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều gia tăng biện pháp bảo hộ nông sản trong nước thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc… Ngoài ra, Việt Nam là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất từ biến đổi khí hậu, trong đó nông nghiệp đang phải ứng phó với nhiều thách thức từ vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: “Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nông sản dự báo sẽ đối diện với nhiều thách thức. Ngành Nông nghiệp đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 43 tỷ USD trong năm 2019. Tuy nhiên, với những diễn biến không mấy thuận lợi từ đầu năm đến nay, mục tiêu này là khá khó khăn”.

Chú trọng ngành hàng thế mạnh, mở rộng thị trường

Để vượt qua những thách thức, khó khăn mà nông sản Việt Nam đang phải đối mặt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng phân tích: Đối với thị trường Trung Quốc, những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của nước này đang là rào cản với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản sang thị trường này giảm 10,3% về giá trị. Tuy nhiên, những tiêu chí về chất lượng, truy xuất nguồn gốc mà phía Trung Quốc đưa ra là yêu cầu tất yếu, cần đáp ứng, bởi đây cũng là yêu cầu của nhiều thị trường lớn khác, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương.

“Doanh nghiệp cần coi đây là cơ hội để đổi mới, đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài”, ông Trần Công Thắng nêu.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Phú, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam chia sẻ, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, Tập đoàn đang đầu tư xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 600ha và tiếp tục mở rộng thêm 2.500ha. Từ đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, từ nuôi trồng, chế biến, đến xuất khẩu. Song song với đó, Tập đoàn sẽ tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu, tận dụng các hiệp định thương mại để phát triển thị trường mới.

Cùng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn cho rằng: Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Song cùng với đó, doanh nghiệp cũng như ngành Nông nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu… để đáp ứng yêu cầu của thị trường. 

Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường, Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực rất lớn nhằm tạo hành lang pháp lý, hành lang thương mại cho các doanh nghiệp khai thác thị trường lớn. Riêng thị trường Trung Quốc, Bộ đang nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vấn đề phát sinh trong xuất khẩu nông sản giữa hai nước…

Mặt khác, Bộ NN&PTNT đã và đang cùng các địa phương, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đến đầu tư chế biến, xây dựng thương hiệu, cấp mã vùng đạt chuẩn quốc tế… nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Trước mắt, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh để đạt được mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm 2019.

“Ngành Nông nghiệp sẽ đẩy nhanh, đẩy mạnh khai thác lĩnh vực lâm nghiệp. Cùng với đó tập trung khai thác thế mạnh từ thủy sản, trọng tâm là tôm, cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để lấy lại “thẻ xanh”, hướng tới phát triển thủy sản bền vững. Đây sẽ là 2 khu vực mang lại động lực cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành Nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 

Rate this post