Mô hình nuôi cá thát lát cườm an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ Update 03/2024

: Một số lưu ý khi nuôi tôm trái vụ Update 03/2024

Gia An là xã nông thôn mới miền núi, nằm về phía Tây của huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), cách thị trấn Lạc Tánh 12km, với tổng diện tích đất tự nhiên 10.335 ha. Gia An được thiên nhiên ưu đãi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Nhận thấy đây là địa phương có tiềm năng nên Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã phối hợp với xã Gia An thực nghiệm mô hình nuôi cá thát lát cườm an toàn sinh học kết hợp với tiêu thụ sản phẩm theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

>>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi cá tra và cá basa trên bè

Mô hình nuôi cá thát lát cườm an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ

Mô hình thực nghiệm sử dụng thức ăn công nghiệp hoàn toàn nên chủ động nguồn thức ăn, hạn chế tình trạng khai thác các loài cá tự nhiên làm thức ăn cho cá nuôi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho một số nông hộ không có đất canh tác. Phát triển vùng nuôi chuyên canh cá thát lát theo hướng an toàn sinh học sẽ tạo ra sản phẩm sạch; bước đầu liên kết giữa người nuôi và người tiêu thụ, từ đó mở rộng vùng nuôi chuyên canh để cung cấp nguyên liệu cho chế biến, từng bước góp phần xây dựng thương hiệu chả cá thát lát hồ Biển Lạc- Tánh Linh.

Hình thức nuôi của mô hình là nuôi lồng bè với quy mô 150 m3 và nuôi trong ao đất với diện tích mặt ao là 1.000 m2. Ở hình thức nuôi nào cũng đòi hỏi mực nước sâu trên 2m, môi trường nước sạch, trong lành, có pH = 6,5 – 7,5. Nếu nuôi ở lồng bè phải ở địa điểm ít có thuyền bè qua lại, lưu tốc dòng nước không quá 0,3 – 0,5 m/s, thể tích khung lồng bè là 3m x 5m x 2 m, bao lưới có kích thước mắt lưới 2a (18 mm). Chất đáy nơi đặt lồng bè là đất cát pha bùn, có hàm lượng oxy hoà tan trên 3 mg/l. Con giống tại thời điểm thả đạt kích cỡ 12 – 15 cm, cá đồng đều kích cỡ, khoẻ mạnh, không xây xát, không mất nhớt, không dị tật, bơi lội nhanh. Mật độ thả nuôi lồng bè 75 con/m3, thả nuôi ao 8 con/m2. Tổng lượng con giống của mô hình 20.000 con.

Cá giống sau khi nhận về, ngâm cả bao cá giống vào nước ở lồng bè hoặc ao, trong thời gian 10 – 15 phút. Sau đó, mở túi ra cho nước vào từ từ để cá tự bơi ra. Thời điểm thả giống tốt nhất trong ngày là buổi sáng lúc 9h. Khi mới thả giống nuôi, không cho cá ăn liền, cách một ngày sau mới cho ăn. Các hộ nuôi sử dụng thức ăn viên có độ đạm 43% dành cho cá giống. Trong quá trình cho ăn có bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa giúp cá giai đoạn nhỏ tăng sức đề kháng, không bị bệnh đường ruột.

Khẩu phần ăn chiếm 7 – 10 % trọng lượng thân ở tháng thứ nhất. Từ tháng thứ 2 trở đi, sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm 40%, bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa, khẩu phần ăn chỉ 5 – 7 % trọng lượng thân. Ở tháng thứ 4, khẩu phần ăn còn 3 – 5 % trọng lượng thân và tháng thứ 5 chỉ còn 2 – 3 % trọng lượng thân. Định kỳ hàng tháng trộn tỏi xay nhuyễn vào thức ăn cho cá, ăn liên tục trong 3 ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp cá phát triển tốt hơn.

Cá thát lát cườm có tập tính bắt mồi ban đêm nên trong quá trình cho ăn, phải chia khẩu phần ăn buổi chiều chiếm 2/3 khẩu phần ăn trong ngày. Cần quan sát hoạt động bắt mồi của cá, theo dõi lượng tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư vừa không gây ô nhiễm môi trường nước.

Các hộ tham gia mô hình cũng được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, quản lý lồng bè, ao nuôi theo quy trình kỹ thuật: Dùng vôi sinh học khử trùng và giúp ổn định môi trường nước. Treo túi vôi (2 – 4 kg) ở vị trí đầu nguồn nước và ở trong 4 góc lồng bè (hoặc ao); khi vôi tan hết, tiếp tục treo túi khác. Định kỳ 7 – 10 ngày hoà tan 2 – 3 kg vôi, tạt trong lồng, mặt ao hoặc treo các bó lá xoan ở nơi cần thiết khu vực nuôi để phòng bệnh cho cá, làm sạch môi trường nước xung quanh.

Sau thời gian nuôi 8 tháng, cá đạt trọng lượng 500 g/con, tỷ lệ sống 70%. Sản lượng ước đạt tại thời điểm nghiệm thu mô hình là 6.740 kg, năng suất trong lồng bè đạt 26,45 kg/m3 và trong ao nuôi đạt 2,82 kg/m2. Như vậy với sản lượng ước đạt 6,74 tấn, giá cá bán buôn 90.000 đồng/kg, doanh thu mô hình đạt 606 triệu đồng, sau khi trừ chi phí gần 400 triệu (con giống, thức ăn, lồng bè …), lợi nhuận thu được từ mô hình là 206 triệu đồng.

Tuy mô hình đạt kết quả cao nhưng các các hộ tham gia mô hình vẫn còn trăn trở “Mình nuôi cá theo hướng an toàn sinh học rồi nhưng khi chế biến người ta thêm chất bảo quản sẽ hỏng hết công lao của mình. Vì vậy, các nông hộ đã hợp tác cùng nhau mở xưởng chế biến tại nhà và nói không với chất phụ gia trong chế biến. Theo thời gian, với sự nhiệt thành của mình, món chả cá thát lát hồ Biển Lạc sẽ được các vị khách gần xa chú tâm. Qua chế biến cá thành chả, giá bán thành phẩm tăng cao (260.000 đồng/kg chả cá), lại tạo thêm công việc cho các chị em phụ nữ. Đồng thời, phần phế phẩm chế biến được dùng làm thức ăn cho cá”.

Các hộ cũng mong muốn các ban, ngành phải có quy hoạch vùng nuôi ổn định, quản lý tốt quy trình nuôi và những quy chuẩn chế biến không chất phụ gia để thương hiệu chả cá thát lát hồ Biển Lạc sẽ đi xa hơn nữa.

Rate this post