Tổng quan về chim Cu gáy và kỹ thuật nuôi chăm sóc chim Cu gáy Update 10/2024

Chim Cu gáy hay còn gọi là chim Cu, đây là loài chim cảnh thường gặp ở các vùng quê, nông thôn Việt Nam. Ở đâu có ruộng đồng thì ở đó chim Cu gáy đều sinh sống. Loài chim Cu gáy sống dựa vào con người, bởi thức ăn chủ yếu của loài chim này là thóc, gạo, đậu, mè, … những nông sản của người nông dân.

Chim Cu gáy thường sống ở các vùng thôn quê Việt Nam

1. Chim Cu gáy khá đa dạng về chủng loại

  • Cu cườm: Hay còn gọi là cu đất, cu ma, ở cổ có cườm.
  • Cu ngói: Cu ngói có thân hình nhỏ con hơn cu cườm, cổ không có cườm mà thay vào đó là một vạch đen quanh cổ, toàn thân có màu hung đỏ.
  • Cu xanh: Còn gọi là Cu rừng, vì chúng chỉ sống ở rừng. Cu Xanh thì toàn thân lông màu xanh lá cây, thân hình cũng lớn bằng Cu Gáy.

2. Ngoại hình của chim Cu gáy

Chim cu gáy khi trưởng thành rất khó để phân biệt trống mái, bởi chúng đều gáy, gụ nhau và ngoại hình tương đối giống nhau. Nếu tinh ý, hay để ý kỹ bạn sẽ thấy chim trống và chim mái vẫn có một số điểm khác biệt giúp chúng ta nhận biết được chim trống chim mái.

2.1 Phân biệt chim trống chim mái

  • Vòng tròn đen của con trống nhỏ hơn và sáng hơn con mái.
  • Lông trên trán của con trống sáng hơn con mái.
  • Con trống to khỏe hơn, đầu cu gáy trống to và trông khá cục mịch, còn chim mái thì nhỏ và tròn hơn.
  • Chân của chim trống to và tròn hơn chim mái.
  • Xương dưới bụng (2 xương ghim) gần phao của chim mái rộng hơn chim trống.

2.2 Đặc điểm nhận dạng một chú chim Cu gáy quý

Chim Cu Gáy hình dáng như một chú bồ câu sẻ, cổ có cườm bao hết vòng giáp cổ thì gọi là “cườm liên hoàn”. Cườm liên hoàn thì vô cùng quý hiếm, vài trăm con mới có được một con. Lông chim có màu xám hồng ở phần đầu, ức và bụng. Phần gián cánh lông màu đen và trên cánh có những vệt đen nhỏ tạo thành những đốm vảy quy trên cánh.

Đặc điểm nhận dạng một chú chim Cu gáy quý

Nhưng với một chim Cu thuộc vào loại tốt nhất mà người sành điệu lựa nuôi thì phải có những điểm đặc biệt sau:

  • Nhất Huỳnh kiên: Tức là chim có cườm màu vàng. Cườm này phải xuống tận vai nhưng không đóng ở trên lưng. Dĩ nhiên loại chim này hiếm khi được gặp.
  • Nhì Liên giáp: Tức là hình dáng của chim giống như một cái bắp chuối, hai đầu nhỏ, giữa phình ra, trông rắn chắc, gọn chặt.
  • Tam Quá khóe: Có cái chỉ màu đen chạy dưới khóe mắt, dài quá khóe mắt một chút mới tốt.
  • Tứ Chân khô: Có nghĩa là chân chim phải vuông cạnh và khô. Vảy đóng hai hàng trơn, đóng chặt, nổi mốc lên.
  • Ngũ Liên hoàn: Cườm phải đóng giáp vòng hết cổ mới thật tốt. Thường thì chim chỉ có cườm đóng ở phần trên cổ mà thôi, phần ức không có cườm.
  • Lục Cườm rựng: Tức là có cườm lót. Chim mà có cườm dựng là chim có gù hậu, tức là gáy dai dẳng.

Tất cả những con chim Cu nào có một trong những đặc điểm trên đây đều thuộc loại chim quí hiếm, dùng làm Cu mồi rất tốt. Tuy nhiên, ngoài những giống quý hiếm trên thì ta cũng nên chú ý tới một số đặc điểm sau đây:

  • Chim Cu gáy đuôi vót, tức là bắp đuôi lớn, chóp đuôi nhỏ lại thì đây là một con chim khôn.
  • Chim Cu gáy có cánh gián (có lông trắng hay mơ ở một hoặc hai bên cánh) đây là một chú chim tốt.
  • Chim Cu gáy có móng trắng thường được gọi là “bạch đề” (chỉ cần một hoặc nhiều móng) là một chú chim cực quý.
  • Chim Cu gáy trống có mỏ đỏ thường được gọi là chim “sát thủ” mang đi đấu hoặc bẫy rất tốt….

Xem thế đủ thấy chọn một con chim Cu Gáy thật hay cũng khó khăn như chọn một gà chọi đá độ. Chọn gà nòi người ta cũng chọn đầu, cổ, lưng, lườn, ghim, chân, vảy, móng, đến cánh gà, đuôi lao… Con chim Cu gọi là hay là con chim dùng để làm Cu mồi. Giống Cu gáy mồi thì hung hăng ham đấu đá, vì vậy mấy con khác mới thi nhau sa vào bẫy rập của người bẫy Cu.

2.3 Giọng gáy của chim Cu gáy

Người không rành về chim cảnh nói chung và chim Cu nói riêng thì cứ tưởng rằng giống chim này chỉ có một giọng buồn tẻ là lúc nào cũng gáy: Cúc cu cu … mà thôi. Chính vì hiểu sơ sài như vậy nên người ta mới băn khoăn tự hỏi tại sao lại có người chịu khó nuôi chim Cu cho uổng công tốn lúa như vậy. Chẳng lẽ trên đời này không có chim nào hót hay hơn để chọn nuôi hay sao? Sự thực thì Cu Gáy có nhiều giọng, mà chỉ có người rành rẽ về chim Cu mới biết rành rẽ mà thôi.

Chim Cu gáy có khoảng 5 giọng gáy khác nhau:

  • Giọng trơn: Cúc cu cu (mỗi lần gáy chỉ thốt lên 3 tiếng đơn giản cụt ngủn).
  • Giọng một: Cúc cu cu…cu (có thêm một tiếng cu hậu ở đằng sau nghe hay hơn).
  • Giọng hai: Cúc cu cu… cu cu (có thêm hai tiếng cu hậu ở đằng sau nghe càng hay hơn).
  • Giọng ba: Cúc cu cu… cu cu cu (có thêm ba tiếng cu hậu ở đằng sau nghe càng hay hơn nữa. Ở đâu mà có con Cu rừng hót hay như thế này thì dù có xa xôi đến mấy người gác Cu cũng mò đến bắt cho bằng được, vì đây là chim quí khó tìm).
  • Giọng cà lăm: Con chim này gáy giọng lúc thế này lúc thế khác, tiếng nọ xọ tiếng kia nghe không ra làm sao cả. Cũng như cách nói chuyện của người bị bệnh cà lăm vậy, chim này chỉ có đem thịt mà thôi.

Nghe giọng chim Cu gáy xong ta còn phải tìm hiểu xem cái âm của nó hay dở ra sao nữa. Đây là một việc cực kỳ khó khăn mà chỉ những người lão luyện trong nghề mới phân tích được kỹ càng, dù là tai họ chỉ mới nghe phớt qua. Còn người mới vào nghề thì chắc chắn không tài nào hiểu nổi.

Giọng chim Cu gáy có 4 âm chính

  • Âm thổ: Chim gáy có âm thổ thì giọng trầm. Loại chim này được đánh giá là loại chim khôn nhất. Trong âm thổ có 4 âm sau đây :
    +) Thổ đồng: Âm trầm mà ngân vang như tiếng chiêng cồng.
    +) Thổ bầu: Âm trầm mà ồm ta lên
    +) Thổ sấm: Âm trầm mà rền như tiếng sấm
    +) Thổ dế: Âm trầm mà rỉ rả nỉ non như tiếng dế
  • Âm đồng: Chim gáy có âm đồng thì tiếng ngân vang. Âm đồng cũng có nhiều loại như sau :
    +) Đồng pha thổ: Âm ngân vang nhưng lại trầm trầm
    +) Đồng pha son: Âm càng lúc càng ngân vang
    +) Đồng pha kim: Âm càng lúc càng nhỏ nhưng vẫn vang xa
  • Âm son: Chim gáy có âm son có người gọi là âm chuông vì giọng chim ngân vang như tiếng chuông rền, nghe có vẻ hùng tráng oai vệ. Âm son cũng có nhiều loại như :
    +) Son pha đồng: Âm to mà rền vang như tiếng sấm
    +) Son pha kim: Âm khởi đầu rền vang như tiếng chuông ngân sau cứ nhỏ dần…
  • Âm kim: Chim gáy có âm kim thì tiếng nhỏ và vang xa. Âm kim cũng có nhiều loại như :
    +) Kim pha son
    +) Kim pha thổ
    +) Kim pha đồng

Điều đó đủ cho ta thấy muốn phân tích một giọng chim Cu gáy thật chính xác không phải là chuyện dễ dàng. Ai hiểu thấu đáo được điều này chắc chắn người đó sẽ gặp nhiều điều thú vị khi lắng tai nghe chim đang gáy. Đến đây, chắc chắn chúng ta không còn ngạc nhiên nhiều khi biết tại sao người ta lại có thể say mê nuôi một con chim có bề ngoài không sắc sảo này đến thế.

Chúng ta có thể cảm thông được về sự mê luyến cao độ của người nuôi chim đối với con chim quí hiếm của mình. Vì rằng, chọn được một con chim mồi vừa ý có những đặc điểm ưu việt kể trên đâu phải là chuyện dễ. Đôi khi trăm con, hoặc ngàn con mới có một. Chắc gì trong một đời người có thể chọn cho mình được một hoặc hai con mà nuôi? Do đó, giá trị con Cu gáy mồi tốt nhất cũng độ nửa lượng vàng nhưng người ta vì quá quý trọng nó đến nỗi có người dù nghèo nhưng ai mua với giá nào cũng không bán, thề “sống nuôi chết khôn”, đôi khi còn dám đem thân mình bảo vệ con chim.

3 Tập tính ăn uống của chim Cu gáy

Đặc tính ăn uống của chim Cu gáy

Thức ăn cho chim bao gồm ngô, thóc, vừng, thức ăn chính vẫn là thóc (lúa) nhưng thêm hạt kê, đỗ xanh, hạt lạc… Chim Cu gáy trong thiên nhiên ăn đất và đất núi lửa (đất đỏ) đôi khi liếm muối để bồi dưỡng chất dinh dưỡng, chúng ăn sạn để nghiền nát thức ăn nhất là những hạt già và cứng.

Chim cu cần chất vôi để tạo vỏ trứng và sú thức ăn cho chim con, cho việc sinh sản và tạo xương của chúng. Chim cu mái sẻ lấy chất vôi từ xương chúng để cung cấp đủ cho con cái, than củi giúp tiêu hóa và sạn giúp nghiền nát hạt trong mề của chim cu. Chim cu thường hấp thụ những khoáng chất vi lượng từ thức ăn.

4 Tập tính sống của chim Cu gáy

Chim Cu gáy sống từng đôi, một trống một mái theo chế độ đơn thê, gắn bó chung thủy, cu gáy là giống kén bạn tình, chim cu Gáy có cách sinh hoạt, tha rác làm tổ, tìm kiếm thức ăn, ấp trứng, bón thức ăn cho con giống như chim bồ câu do chúng cùng một họ. Chúng đi ăn từng đàn, có lãnh thổ riêng, có một con trống có dáng hình đẹp, có tiếng gáy tốt là con chim lãnh chúa. Khi vùng lãnh thổ riêng bị xâm phạm, nó sẽ ra hiệu bằng âm thanh lao rồi vào chiến đấu. Người săn lợi dụng đặc điểm này để bẫy chim cu gáy.

Chúng bắt đầu trưởng thành và sinh sản vào khoản 5 tháng tuổi. Mỗi năm, một cặp chim cu bố mẹ thường đẻ 8 đến 9 lứa, mỗi lần cho ra 1 đến 2 quả trứng, 10 ngày sau khi trứng nở chim mẹ sẽ tiếp tục đẻ lứa khác. Khi gù đấu (gù chào) thì con trống sẽ gù đấu. Khi con bạn tình xuất hiện, thì con trống sẽ gù sát đất (gù cái đầu thấp) với con mái nhiều lấn, còn con mái thì hầu như không gù, trừ khi trong đàn toàn mái và không có con trống. Con trống gáy to tiếng hơn, con mái rất im lặng và khi con mái gù sẽ có âm sắt cao hơn con trống.

Chim cu cườm chịu nhiệt rất kém. Khi nhiệt độ hạ xuống 10 độ C chim cu sẻ bị cú rũ. Trong thiên nhiên khi chổ ngủ bị đe dọa chúng sẽ hoảng sợ bay lên để thoát khỏi sự đe dọa nguy hiểm của chúng. Thỉnh thoảng chim trong nuôi trong lồng cũng bị hoản sợ ban đêm. Sự việc xảy ra khi chim cu ngủ những nơi rất tối hay là những con chim mới. Chim cu nhìn đêm tối rất kém nên chúng dễ bị hoảng sợ, khi chúng nghe ồn ào và chúng sẽ nhảy, chim cu hoang rất sợ bóng người.

5. Kỹ thuật chăm sóc Cu gáy trong điều kiện nuôi nhốt

5.1 Cách nuôi chim Cu bổi

Chim mới bẫy về gọi là chim bổi. Chim bổi thì rất nhát gặp người đến gần thì hốt hoảng bay tán loạn cả lên, cho nên chim bị bể đầu sứt trán, rụng lông từng chùm là chuyện thường tình. Vì vậy, nuôi Cu bổi ta cũng phải có phương pháp riêng để chim khỏi chết một cách đáng tiếc.

Nuôi chim Cu gáy tại nhà

Chim mới bẫy về, đi đường đói khát, nên về nhà ta đút cho nó ăn vài ba hột bắp nhỏ hoặc năm bảy hột lúa và cho uống nước để chim “tỉnh hồn lại vía” đã. Đó là cách giúp chim tiếp tục sống để thuần dưỡng. Sau đó ta nhốt chim bổi chung chuồng với các chim bổi cũ (thường thì người đi gác chim có một cái lồng lớn để nhốt tất cả chim bổi cũ mới vào để thuần dưỡng cho tiện, và cũng để lựa dần những chim tốt ra nuôi, chim xấu làm thịt). Chim mới thấy chim cũ lại cóng ăn mồi, nó cũng bắt chước đến ăn. Ta cứ cho chim sống như vậy cho quen dần nếp sống tù túng để cho chim dạn dần.

Sau đó, lựa con chim nào tốt tướng, dữ dằn thì bắt ra nuôi riêng. Trong trường hợp nhà không có chim bổi cũ, chỉ có một con bổi mới, thì việc trước tiên là ta cũng phải đút bắp lúa cho chim ăn để khỏi mất sức rồi mới nhốt vào lồng nhỏ. Người ra nuôi chi Cu gáy trong một loại lồng nhỏ đặc biệt bằng mây hay tre, hình dáng giống như trái bí rợ. Lồng tuy chật chội nhưng lại thích hợp với loài Cu gáy vì Cu gáy đứng đâu chỉ đứng yên một chỗ chứ không bay nhảy tứ tung như các loại chim khác như chim chào mào, chim vành khuyên, chim chích chòe… Do đó, nhốt chim trong lồng lớn lại không ích gì.

Nuôi Cú Gáy trong lồng nhỏ có điều lợi là chim bổi thì mau thuần, mà chim đã thuần thì mau sung. Nuôi chim mà lúc nào cũng sung cũng gáy, thử hỏi ai lại không thích phải không ạ!

5.2 Kỹ thuật thuần dưỡng chim Cu bổi

Chim bổi bắt về, ta nhốt vào lồng, bên ngoài nên phủ áo lồng cho chim đỡ sợ, bên trong để cóng nước, cóng lúa, cóng khoáng hay đất cho chim ăn được vài ngày. Xong đâu đó, ta treo lồng vào chỗ yên tĩnh để chim bớt sợ hãi. Sau đó, cứ vài ba ngày, ta thăm lồng một lần, mỗi lần như vậy nhớ châm thêm nước và thức ăn cho vài ngày tới.

Công việc thuần dưỡng chim, ta cứ từ từ mà làm, muốn gấp gáp cũng không thể được. Vì chim bổi mau thuần hay không một phần là do ở mình, mà một phần cũng do ở chim. Có nhiều con chim dạn đến nỗi chỉ bắt về một vài hôm đã gáy trong lồng, tiếng gáy như chuông rền có vẻ thách thức chim khác. Nhưng cũng có nhiều con nuôi đến ba năm mà chưa… mở miệng ! Nuôi những con chim khó “nổi” này rất chán, tuy nhiên người nuôi vẫn hy vọng rằng hễ “có tật thì có tài”, những con chim như vậy khi đã nổi thì không chê vào đâu được.


Nuôi chim Cu muốn mau nổi, thường ta nuôi trong nhà vài ba con trở lên. Con treo nhà trước, con treo nhà sau, hoặc con treo trên lầu, con treo dưới lầu. Trong trường hợp nhà ở chật chội không đủ chỗ treo lồng, thì ta vẫn có thể treo gần nhau, nhưng những con xen kẽ ta phải trùm lồng kín mít để chúng chỉ nghe tiếng gáy mà không trông thấy nhau. Đôi khi, treo như vậy chim lại mau sung vì chúng cũng như loài gà, tức nhau vì tiếng gáy.


Thỉnh thoảng, người nuôi chi Cu Gáy cũng cho hai con “kè” nhau một chút cho chúng hăng lên. Chim khi đã sung thì lúc nào cũng năng nổ, hễ người nuôi búng tay là gáy, hoặc vừa nghe chim khác nổi một vài hậu là nó cũng tức khắc hăm hở trả lời, tỏ ra ta đây không chịu thua sút một ai!

  • Lưu ý: Cũng xin được nhắc thêm, chim nuôi mãi trong lồng thì lông đuôi dài sẽ vướng víu. Vì vậy, chủ nuôi cứ vài tháng một lần, nhớ hớt bớt lông đuôi, lông cánh để chim xoay xở dễ dàng trong chiếc lồng vốn chật, khỏi gãy đuôi xơ cảnh, mất thẩm mỹ.

5.3 Kỹ thuật chăm sóc chim Cu gáy

Việc chăm sóc cho chim Cu không có gì khó khăn vất vả. Ta chỉ vệ sinh lồng cho sạch sẽ, cho ăn uống đầy đủ là được. Với con chim suy, mỗi tuần ta nên cho uống hai lần, mỗi lần một viên dầu cá. Và chỉ cần uống một tuần là đủ. Nếu muốn cho uống lại thì nên để đến tháng sau.

Nuôi chim Cu, thường ta thấy chúng bị hai thứ bệnh: Đó là bệnh đau mắt và bệnh tiêu chảy.

  • Với bệnh đau mắt thì người chuyên môn có một lối trị riêng : người ta đâm vài trái ớt hiểm, môi vào hai đầu cánh và bôi ngay vào mắt chim, con chim xót mắt, cạ mắt vào đầu cánh gặp ớt lại xót thêm. Nhưng khi ớt hết cay thì chim lành mắt.
  • Riêng đối với bệnh tiêu chảy thì ta có thể dùng thuốc Terramycine loại dùng cho gà, pha vào nước cho chim uống vài ngày là khỏi.

Điều cần nhắc nhở thêm là trong lồng Cu Gáy bao giờ cũng phải có cóng khoáng chất. Loại chim này rất thích ăn khoáng, thiếu không được. Xin xem thêm bài nói về công thức chế biến khoáng chất ở phần cuối sách. Người ta thường lấy đá ong cà nhỏ thế khoáng cho chim ăn.
Tóm lại, chim Cu Gáy dễ nuôi, ít tốn kém lại ít công chăm sóc. Tiếng gáy của chim không réo rắt như chim Họa Mi, không véo von như chim Chích Chòe, không lanh lảnh như chim vành khuyên nhưng cũng mang cho mình một sắc thái riêng, khiến người nghe quen tai ai cũng si mê.

Chimcanh.net

Rate this post